Thế hệ mạng di động mới có thể vài năm nữa mới phổ biến, tuy nhiên doanh nghiệp cần hiểu được tác động của công nghệ viễn thông thế hệ mới nhất để có lộ trình kinh doanh. Chúng ta muốn xử lý nhanh hơn, dung lượng lưu trữ lớn hơn và đường truyền mạng có độ trễ nhỏ hơn. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ còn nhiều vấn đề khó khăn khác chứ không chỉ đơn thuần là thêm dung lượng hay tăng tốc độ truyền tải. Mạng di động 5G là một ví dụ điển hình. Cả hai nhà mạng AT&T và Verizon đã công bố thử nghiệm thế hệ kết nối dữ liệu di động 5G có tốc độ nhanh hơn và nhiều khả năng sẽ ra mắt vào năm 2020. Điều quan trọng cho các nhà lãnh đạo CNTT là hiểu rõ về 5G, để có thể dễ dàng đưa ra các quyết định trong việc lập kế hoạch và chiến lược. Để tìm hiểu 5G sẽ tác động đến các doanh nghiệp như thế nào (bao gồm cách nhân viên sẽ tận dụng mạng và làm việc từ xa), các chuyên gia hàng đầu trên thế giới đã có những chỉ dẫn đáng chú ý. 5G có nhiều thứ đáng chú ý hơn là tốc độ Tốc độ không phải là tất cả của 5G Điểm đặc biệt đầu tiên mà ai cũng có thể nhìn thấy là 5G có tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn 10-100 lần so với 4G. Điều đó có nghĩa là tốc độ thực vào khoảng 4 Gbps hoặc lớn hơn, đây là lý do mà 5G được gọi là “cáp quang mà không có cáp quang”. Hầu hết việc tăng tốc độ truyền là do các nhà mạng tăng thêm các kênh không dây, sử dụng công nghệ sóng milimet (tốc độ truyền trong khoảng ngắn) và các cell nhỏ (cell gọi là tế bào - đơn vị địa lý cơ bản của hệ thống thông tin vô tuyến). Thiết lập nhiều cell nhỏ sẽ tăng đáng kể độ phủ sóng trong khu vực để từ đó đi đến đường truyền kết nối giữa nhà cung cấp dịch vụ với các trạm phân phối tới người dùng cuối, và giữa các trạm phân phối với nhau (backhaul). Jim Greer, người phát ngôn của AT&T đưa ra luận điểm rằng các nhà lãnh đạo CNTT nên xem 5G như một giá trị gia tăng của tốc độ. Trong thực tế, 5G chủ yếu nhằm đảm bảo các hệ thống mạng có thể xử lý việc gia tăng số lượng lớn các thiết bị. Internet of Things sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của thiết bị kết nối, tất cả mọi thứ từ hệ thống an ninh tại văn phòng cho đến thiết bị thu phát sóng trên xe hơi cũng sẽ được kết nối. Đến năm 2020, sẽ có 34 tỷ thiết bị kết nối Internet trên phạm vi toàn cầu – tức là trung bình mỗi người sở hữu hơn 4 thiết bị có thể online. Roger Entner, người sáng lập của Recon Analytics và một chuyên gia về mạng không dây 5G cho biết "khi cuộc cách mạng IoT bùng nổ, mạng 5G sẽ giúp xử lý hàng trăm hàng triệu thiết bị và cảm biến kết nối cùng lúc" Nhiều kiến trúc mới xuất hiện Akshay Sharma, chuyên gia tại hãng phân tích Gartner cho biết "5G với tốc độ cao, độ trễ thấp, và tương thích ngược với các mạng hiện tại sẽ mang đến nền tảng tốt hơn cho các kiến trúc mới mà từ trước tới nay chưa từng có”. Mạng 5G sẽ được bổ sung thêm kiến trúc mới như Cloud RAN (radio access network- mạng truy nhập vô tuyến đám mây) với các trung tâm dữ liệu nano hỗ trợ các chức năng mạng dựa trên máy chủ như cổng IoT công nghiệp; bộ nhớ đệm video và chuyển mã cho định dạng UltraHD. Ngoài ra 5G còn hỗ trợ cấu trúc liên kết với các mạng không đồng nhất (HetNets - heterogeneous networks) sẽ thuận tiện hơn cho người dùng. Akshay Sharma còn cho rằng, 5G sẽ mang đến một sự gia tăng đáng kể trong các trạm gốc (cell site hoặc base station) và các yêu cầu mới cho đường truyền kết nối giữa nhà cung cấp dịch vụ với các trạm phân phối tới người dùng cuối,. Tại thời điểm này, chúng ta vẫn chưa biết công nghệ này sẽ làm được gì khi được sử dụng để truyền dữ liệu. Các cuộc thử nghiệm đã được tiến hành Ngoài AT&T và Verizon, nhiều công ty như Alcatel Lucent, Ericsson, Fujitsu, NEC, Nokia và Samsung cũng đã công bố việc thử nghiệm mạng 5G của mình. Google đầu tư vào mạng 5G Gần đây, Google cũng tham gia vào lĩnh vực 5G với việc mua lại công ty Alpental Technologies nhằm hỗ trợ công nghệ sóng milimet để theo dõi vị trí chính xác hơn. Còn Microsoft bắt đầu với bản thử nghiệm TV White Spaces nhắm vào các dải tần còn trống mà các đài truyền hình không sử dụng. Một ông lớn trong làng công nghệ khác là Facebook mang đến Open Compute Initiative như là một phần của Internet.org nhằm xây dựng mạng không dây cho các nước đang phát triển. Wi-Fi cùng song hành với 5G Nhiều người cho rằng công nghệ Wi-Fi sẽ trở nên lỗi thời trong vài năm tới khi 5G trở nên thịnh hành. Tuy nhiên người phát ngôn của AT&T là Jim Greer cho rằng đó là quan niệm sai lầm, bởi cả hai mạng này sẽ tiếp tục cùng tồn tại, và công nghệ Wi-Fi cũng sẽ phát triển nhanh chóng. Roger Entner cũng đã chỉ ra rằng động lực phát triển chính cho 5G không liên quan đến các doanh nghiệp sử dụng Wi-Fi trong tòa nhà nhưng ảnh hưởng đến sự bùng nổ của thiết bị sẽ kết nối qua 3-4 năm tới. 5G được vận hành sớm tại châu Á Mạng 5G không chỉ có ở Mỹ, nhà mạng NTT Docomo cũng đã công bố thử nghiệm tại Nhật Bản và nhiều thông tin cũng cho rằng Hàn Quốc sẽ có khả năng cung cấp dịch vụ 5G tại Thế vận hội mùa Đông 2018. Tuy nhiên để ứng dụng vào thực tế thì doanh nghiệp còn phải nghiên cứu làm thế nào để bắt đầu, người dùng phản hồi ra sao, các thiết bị phần cứng lúc nào có sẵn để hỗ trợ các tiêu chuẩn mới và quan trọng nhất là sự ổn định của cơ sở hạ tầng. Ted Rapport - thành viên hiệp hội IEEE và đồng sáng lập trung tâm nghiên cứu mạng không dây tại Đại học NewYork (NYU) cho biết ông hy vọng sẽ thấy 5G được vận hành đầu tiên ở châu Á.